Liên hệ trực tuyến

support

+ Di động: 0912212264  / 01686710444
+ Zalo: 0912212264

+ Viber:     01686710444

Thông tin cửa hàng

địa chỉ hanshop.jpg

Số lượt truy cập: 4,679,642

Số người đang online: 9

img_titleBài viết / Rượu gạo Makgeolli (Makkoli), loại rượu truyền thống đặc trưng của Hàn Quốc

Rượu gạo Makgeolli (Makkoli), loại rượu truyền thống đặc trưng của Hàn Quốc

Rượu gạo Makgeolli (Makkoli) được cho là loại rượu lâu đời nhất của Hàn Quốc. Nó có màu trắng đục giống nước vo gạo và nồng độ khá thấp, chỉ từ 6 đến 7 độ. Để làm rượu, người Hàn hấp chín gạo hoặc lúa mì rồi để cho ráo nước, sau đó trộn cùng với men và nước rồi ủ cho lên men. Đặc trưng của loại rượu này là có sự cân bằng giữa vị ngọt, vị chua và vị đắng.

Rượu gạo Makgeolli (Makkoli), một loại rượu truyền thống đặc trưng của Hàn Quốc

Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới. Khắp nơi, mọi người đang tưng bừng tổ chức liên hoan tất niên để tiễn đưa năm cũ. Có một thứ không thể thiếu được trong liên hoan tất niên, đó chính là rượu. Được cùng nhau nâng li và cười nói vui vẻ, trong phút chốc, những lo âu, mệt mỏi trong suốt một năm như đều tan biến hết. Vậy thì gần đây loại rượu nào đang được người Hàn yêu thích nhất? Những năm gần đây, rượu gạo Makgeolli luôn giữ vững vị trí số một trong số các loại rượu đang lưu hành tại Hàn Quốc. Hôm nay, chúng ta hãy cùng khám phá loại rượu tuyệt vời này nhé!
makkoli-note.jpg
Sức hấp dẫn của rượu gạo Makgeolli

Rượu gạo Makgeolli được cho là loại rượu lâu đời nhất của Hàn Quốc. Nó có màu trắng đục giống nước vo gạo và nồng độ khá thấp, chỉ từ 6 đến 7 độ. Để làm rượu, người Hàn hấp chín gạo hoặc lúa mì rồi để cho ráo nước, sau đó trộn cùng với men và nước rồi ủ cho lên men. Đặc trưng của loại rượu này là có sự cân bằng giữa vị ngọt, vị chua và vị đắng. Huh Shi-myung, một nhà nghiên cứu rượu, đánh giá về rượu gạo Makgeolli: “Có thể nói rượu gạo Makgeolli là loại thức uống lâu đời nhất của Hàn Quốc. Nó là loại rượu bình dân và có cách làm cũng khá đơn giản. Để làm ra rượu gạo Makgeolli, người ta đem ủ cho lên men hỗn hợp gồm gạo đã nấu chính và men, sau đó lọc cho thật kĩ để lấy nước. Cả quá trình đó chỉ mất khoảng trên dưới 10 ngày, nên những thành phần dưỡng chất của nguyên liệu gần như vẫn còn tươi nguyên”.

Không chỉ người Hàn Quốc mà số người nước ngoài yêu thích rượu gạo Makgeolli cũng đang ngày một tăng. Mặc dù mùi gạo tỏa ra khá khó chịu, nhưng chỉ cần nếm thử một lần là bạn sẽ bị mê hoặc ngay lập tức. Với hương vị dịu nhẹ như sữa, uống vào lâu say và có thể khiến cho tâm trạng trở nên hưng phấn, rượu gạo Makgeolli đang từng bước chinh phục nhiều người nước ngoài đến mức đã xuất hiện cả các quán bán loại rượu này do người nước ngoài làm chủ.

Có một phụ nữ người Phần Lan đang sinh sống tại Hàn Quốc yêu thích loại rượu truyền thống này đến mức đã mở nguyên một quán bán rượu gạo Makgeolli. Đó là chị Salminen Taru. Chúng ta hãy cùng gặp gỡ chị nhé! Chị Taru tâm sự: “Thật ra lúc đầu, tôi cảm thấy rượu gạo Makgeolli rất giống với sữa. Hương vị kì lạ của nó giống như thể được kết hợp từ sữa với nước ngọt có ga. Dần dần, tôi phát hiện ra rằng loại rượu này không những ngon mà còn khiến cho tâm trạng trở nên hưng phấn và không gây nặng đầu sau khi ngủ dậy. Thật là một loại rượu tuyệt vời! Vì yêu thích rượu gạo Makgeolli nên tôi đã quyết định mở quán này. Mới đó mà đã được một năm và tôi không hề hối tiếc về quyết định này”.

Mỗi ngày, quán của chị đón tiếp không biết bao nhiêu là khách. Trong số đó, có khá nhiều người đã trở thành khách hàng thân thiết. Có người đã lặn lội từ xa tìm đến quán của chị Taru để thưởng thức những hương vị rượu gạo Makgeolli đặc sản từ các vùng miền của Hàn Quốc được bày bán tại đây. Sự niềm nở chào đón và thái độ phục vụ chu đáo của chị đã giành được nhiều cảm tình từ phía những người Hàn Quốc.     

Những điều cần biết về rượu gạo Makgeolli

Danh tiếng của rượu gạo Makgeolli đang vượt ra ngoài phạm vi Hàn Quốc để tiến ra thế giới. Cho đến nay, chưa ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi: rượu gạo Makgeolli đã ra đời từ khi nào. Nhưng thông qua bài thơ của học giả Lee Dal-chung vào cuối thế kỉ 14, trong đó có câu ‘Rượu gạo Makgeolli trắng trong bát đất’, người ta có thể nhận ra rằng loại rượu này đã xuất hiện từ triều đại Goryeo. Cho đến trước khi bia và rượu Tây xuất hiện, rượu gạo Makgeolli vẫn luôn là sự lựa chọn số một của người bình dân. Nhà nghiên cứu Huh Shi-myung tiếp tục giải thích: “Rượu gạo Makgeolli là một loại rượu lâu đời được người Hàn yêu thích nhất. Vào những năm 1970, 1980 của thế kỉ trước, nó chiếm đến 60% tổng sản lượng tiêu thụ rượu của Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể từ sau khi Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa hè 1988, cùng với đó là sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, trong đó có các loại rượu Tây, thị phần của rượu gạo Makgeolli dần dần sụt giảm”.

Sự xâm nhập của thức uống có cồn từ phương Tây đã khiến cho lượng tiêu thụ rượu gạo Makgeolli bị sụt giảm đáng kể. Thế nhưng, cùng với xu hướng ngày càng quan tâm đến các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của người hiện đại, rượu gạo Makgeolli đang dần giành lại được chỗ đứng của mình. Nhà nghiên cứu Huh Shi-myung phân tích: “Nồng độ của rượu gạo Makgeolli rất nhẹ, không gây sốc cho cơ thể. Người Hàn thường ưa chuộng rượu gạo Makgeolli tươi hơn cả, vì nó chứa rất nhiều chất lên men, chất đạm và a-xít a-min, rất có lợi cho sức khỏe và tốt cho đường ruột. Mới đây, khoa học đã chứng minh được rằng rượu gạo Makgeolli còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả”.

Được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo và men, rượu gạo Makgeolli chứa 54% thành phần cacbon-hydrat, 46% chất đạm và hầu như không có chất béo. Một cốc rượu Soju khoảng 45g có thể tiêu được 64kcal, trong khi đó một bát rượu gạo Makgeolli khoảng 150g lại chỉ tiêu được 69kcal nên rất thích hợp cho việc ăn kiêng. Một du khách người New Zealand tên là Olivia cho biết: “Khi ở Úc, tôi không hề thích rượu gạo Makgeolli. Nhưng sang Hàn Quốc tôi mới thấy không có loại rượu nào có thể sánh bằng nó. Nó không những tốt cho sức khỏe mà còn ít ca-lo. Quả là rất thích hợp cho những người ăn kiêng”.

Đặc biệt hơn, một chai rượu gạo Makgeolli còn chứa từ 70-80 tỉ vi khuẩn lên men, nhiều tương đương với 100 hộp sữa chua mà chúng ta vẫn thường uống. Đó là chưa kể đến lượng chất Farnesol, một chất giúp chống lại ung thư. Trong rượu gạo Makgeolli, hàm lượng chất này cao gấp 25 lần so với bia và rượu vang. Trên hết, loại rượu này không hề khiến bạn rơi vào trạng thái bị say bí tỉ. Chị Taru cung cấp thêm thông tin: “Bạn khó có thể uống được nhiều rượu gạo Makgeolli vì nó khiến cho bạn rất nhanh no bụng. Do đó, hãy tưởng thức nó một cách từ từ thôi. Ưu điểm của loại rượu này là giúp tráng dạ dày, nhiều dưỡng chất và có thể ngăn chặn bệnh ung thư. Một ưu điểm khác là rượu Makgeolli có rất nhiều hương vị đa dạng, thậm chí hương vị còn thay đổi mỗi ngày trong cùng một chai rượu do sự tiếp tục lên men. Và tùy từng nơi ủ rượu, tùy từng địa phương mà hương vị của rượu Makgeolli cũng có sự khác biệt”.

Sự đa dạng của rượu không chỉ phụ thuộc vào thời gian, địa điểm ủ mà còn phụ thuộc vào phương pháp ủ. Hiện nay, người ta ước tính có khoảng 700 loại rượu gạo Makgeolli. Nhà nghiên cứu Huh Shi-myung cho biết thêm: “Do hướng đến đối tượng là thanh niên, nên rượu gạo Makgeolli được bán ở Seoul có hương vị nhẹ nhàng chứ không giống với hương vị truyền thống. Nhưng ở các tỉnh miền Nam Hàn Quốc, rượu Makgeolli vẫn được giữ nguyên hương vị truyền thống. Gần đây, nhiều địa phương đã cho ra đời các loại rượu gạo Makgeolli gắn liền với sản vật của địa phương mình, như ở Boseong hay Beolgyo, tỉnh Nam Jeolla thì có rượu gạo Makgeolli trà xanh, ở Munkyeong, tỉnh Bắc Gyeongsang thì có rượu gạo Makgeolli ngũ vị tử…”. Sự đa dạng chính là một trong những yếu tố chủ yếu khiến cho nhiều người nước ngoài yêu thích rượu gạo Makgeolli.

makkoli-note-2.jpg

Làn sóng rượu gạo Makgeolli

Các bạn đang nghe những âm thanh phát ra từ một lớp học làm rượu của trường Rượu gạo Makgeolli, tọa lạc ở phường Myeongryun, quận Jongno, thành phố Seoul. Cùng với sự thịnh hành trở lại của rượu gạo Makgeolli, số người kéo nhau đi học làm thứ thức uống này cũng gia tăng. Giải thích về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Huh Shi-myung, người đã sáng lập ngôi trường, cho biết:  “Tôi quyết định mở ngôi trường này vì muốn có một nơi cho mọi người tìm hiểu về văn hóa và lịch sử của rượu gạo Makgeolli, đồng thời tìm giải pháp để nâng cao chất lượng rượu. Trong suốt hai năm vận hành ngôi trường, tôi ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều người quan tâm đến rượu gạo Makgeolli nói riêng và văn hóa Hàn Quốc nói chung. Không ít người trong số đó tỏ ra vô cùng tự hào về nền văn hóa nước nhà. Điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc”.

Đối tượng học viên theo học không chỉ là những người làm trong giới kinh doanh thức uống, mà còn có sinh viên, giáo viên, công nhân viên và Hàn kiều.Trong số các học viên, không ít người muốn học làm rượu gạo Makgeolli để quảng bá ra nước ngoài. Học viên Ham Chan-woong cho biết: “Tôi là giáo viên. Trong những kì nghỉ, tôi rất hay đi du lịch nước ngoài và năm sau tôi định sẽ đi châu Phi. Tôi cảm thấy làm rượu gạo Makgeolli không quá khó nên muốn mang theo gạo và men để hướng dẫn cách làm cho người dân địa phương”. Còn học viên Park No-hong thì chia sẽ: “Hiện tôi đang sống ở Mỹ. Mỗi khi mời bạn bè người Mỹ về nhà, tôi thường mời họ uống bia hay rượu vang. Bây giờ tôi muốn học làm rượu gạo Makgeolli để khi sang đó, tôi có thể mời họ nếm thử hương vị rượu truyền thống của Hàn Quốc và giới thiệu cho họ về những nét văn hóa của dân tộc”.

Rượu gạo Makgeolli đang được xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng ngày một tăng. Đây quả là một tín hiệu đáng mừng cho những nhà sản xuất rượu Hàn Quốc. Ông Jang Jae-jun, giám đốc bộ phận kinh doanh của công ty Seoul Takju cho biết: “Số lượng rượu gạo Makgeolli được tiêu thụ đã tăng gấp 3 lần so với 3 năm trước. Không chỉ mức tiêu thụ trong nước tăng, mà kim ngạch xuất khẩu rượu Makgeolli ra nước ngoài cũng tăng do sự ảnh hưởng của làn sóng Hàn Quốc Hallyu. Trong số 15 quốc gia đang nhập khẩu rượu gạo Makgeolli, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ mạnh nhất”.

Theo thông tin từ Tổng cục thuế Hàn Quốc, trong 10 tháng đầu năm 2011, Hàn Quốc đã xuất khẩu khoảng 37 nghìn tấn rượu gạo Makgeolli, thu về gần 45,3 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kì năm ngoái về khối lượng và gấp 3 lần về doanh thu. Từ giờ cho đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu rượu gạo Makgeolli ước tính sẽ đạt khoảng 50 triệu USD. Ăn theo làn sóng rượu gạo Makgeolli là sự xuất hiện của hàng loạt các sản phẩm có sử dụng loại rượu này như bánh mì Makgeolli, giấm Makgeolli, mĩ phẩm Makgeolli… Sự ra đời của các sản phẩm này giúp cho những người không thể uống được rượu cũng có thể thưởng thức được hương vị đậm đà của rượu gạo Makgeolli. Nói đến đây thì chắc nhiều bạn muốn được nếm thử rượu gạo Makgeolli lắm rồi có đúng không? Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không cùng làm một bát nhỉ!

(Nguồn http://world.kbs.co.kr/vietnamese/program/program_trendkorea_detail.htm?No=34090)



Bài viết liên quan